Chân dung thầy Vũ Đình Thắng / dancer Mamazolar (giảng viên Hip hop Jazz) qua các bài báo ;) [02] ;) [1]

Thứ 5, 12/05/2011 10:00 AM

Câu chuyện của một sinh viên công nghệ thông tin muốn làm dancer chuyên nghiệp.
165196_1265175766201_1733993865_498798_1667498_n
Vũ Đình Thắng xoạc rộng chân, vươn cái đầu bù xù râu tóc về phía trước cho đến khi mặt chạm sàn gỗ. Cậu thấy đau vì các cơ chân, cơ tay bị kéo căng ra hết cỡ. Nhưng cậu cố nhịn vì sợ các bạn học sẽ bĩu môi chê cười. Lũ bạn học ấy, không những toàn là con gái, mà còn chẳng có đứa nào lớn hơn 10 tuổi.
22 tuổi, Thắng có thể được coi là người trẻ nếu theo nghề công nghệ. Nhưng để theo nghiệp múa thì thế là khá muộn.

Mẹ mất từ khi cậu mới 8 tuổi, còn bố thì mất sức lao động nên chỉ nằm nhà. Thắng và em gái được bà nội nuôi dưỡng. Kinh phí học đại học FPT đều do người chú chu cấp.

Trong một hoàn cảnh như vậy, nhiều người sẽ chọn một phương án an toàn: tốt nghiệp đại học, đi làm cho một công ty lớn, kiếm tiền, lấy vợ... Nhưng Thắng lại đang nuôi một giấc mơ khác. Cậu muốn đi Hàn Quốc học nhảy.

"Việc nhẩy múa là bước ngoặt của cuộc đời, thay đổi hoàn toàn suy nghĩ trước đây của mình. Mình muốn đi theo con đường này", Thắng nói.

Bước ngoặt đấy mới chỉ xảy ra cách đây 1 năm rưỡi, khi cậu đứng lên sân khấu nhảy bài Nobody (Wonder Girls) cùng các bạn học tại FPT. Sau những phút thăng hoa trên sân khấu, Thắng chợt nhận ra cơ thể và tâm hồn mình sinh ra dành cho việc nhảy.

Thắng tìm đến với các khóa học căn bản tại trường Cao đẳng múa Hà Nội. Học viên chủ yếu là các bé gái, những mầm non nghệ thuật đang cần học những động tác căn bản nhất. Với chiều cao hơn 1m7, Thắng là người khổng lồ trong cái lớp học tí hon ấy.

Trước khi học nhảy, Thắng tự nhận mình là chậm chạp và ù lì. Điều đó khiến cơ thể cậu bị xơ cứng rất khó khăn khi múa. Nhưng bù lại cậu chú tâm luyện tập hơn hẳn bọn lít nhít áo đỏ váy trắng xung quanh. Cô giáo luôn khen ngợi cậu là học sinh giỏi của lớp và động viên thi vào hệ chính qui của trường.

"Cứ thi vào hệ chính qui đi, em sẽ là học sinh giỏi cho mà xem", cô giáo thường nói như vậy sau mỗi buổi tập.

Ngoài học ba lê ở đây, Thắng còn học một lớp múa bụng, một lớp hip hop jazz, một lớp Jazz Funk. Trước đó, cậu cũng đã tập luyện với nhiều nhóm nhảy khác.

Nhưng đam mê này cũng khiến cậu gặp nhiều phiền phức. Hiện nay, tại Hà Nội có rất ít nam giới học hiphop Jazz, còn đối với múa bụng thì hầu như không có.

Vì vậy Thắng thường là nam giới duy nhất trong lớp. Giữa một rừng những vòng eo nõn nà, thì vóc dáng vạm vỡ của cậu thường gây sự chú ý. Những ánh nhìn lạ lẫm hay lời bình phẩm từ những người đi ngang qua cứ thế được tuôn ra.

"Khi có quá nhiều người cùng nói, thì cũng có khi mình nghĩ là mình sai lầm thật. Đặc biệt cậu chuyện mang màu sắc phân biệt giới tính làm mình rất khó chịu. Sau hai tuần phải nghe như vậy thì mình đã quen tai, và lâu dần thì cũng kệ người ta nói. Biết vượt qua những lời đàm tiếu để thành công... làm mình thấy hạnh phúc hơn", Thắng nói.

Học phí cho các lớp này khiến cậu phải dè xẻn hơn trong việc ăn tiêu hay đi chơi cùng bạn bè. Mặt khác, Thắng gặp phải phản ứng dữ dội từ người chú, vốn không thích cháu mình tham gia các hoạt động văn nghệ nhảy múa. Ngay cả những người bạn thân cũng phản đối việc cậu chọn nhảy làm con đường lập thân.

Ngay cả trong gia đình, Thắng cũng tự nhận là không biết phải chia sẻ tâm sự cùng ai.
Bằng cách dạy thêm một lớp hiphop Jazz tại WA Dance Studio, Thắng có thể truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ hơn. Điều đó khiến cậu cảm thấy giải thoát được rất nhiều tâm sự.

"Khi nhảy múa, mình có thể quên hết mọi muồn phiền. Có thể tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng đầu óc trở nên rõ ràng và thoải mái. Thậm chí bây giờ mình không có thời gian để buồn".

Sau hàng năm trời tập luyện miệt mài, Thắng đã có thành công đầu tiên. Vượt qua hơn 30 thí sinh khác, Thắng đã giành giải nhất nội dung nhảy đơn ở cuộc thi Just Dance do đại học Luật tổ chức tháng 4/2011. Chiến thắng nhỏ nhoi đó khiến Thắng nhìn rõ hơn vị trí của mình.

Hiện tại giấc mơ đi Hàn Quốc của Thắng vẫn chưa có gì khả quan. Nhưng hằng ngày cậu vẫn đi dạy nhảy tích cóp tiền cho giấc mơ của mình.

"Thế còn việc lập trình thì sao?", phóng viên hỏi.

"Mình vẫn làm ngon, chỉ có điều thích nhảy hơn. Dù sao thì vẫn phải có cái bằng đại học đã. 4 năm ăn học giờ không để phí được", Thắng trả lời.

Nếu theo đúng lịch học của khóa 2, tháng 9 năm nay Thắng sẽ ra trường. Mỗi tối dạy nhảy xong, cậu lại về mày mò với cái đồ án tốt nghiệp của mình. Ở đại học FPT, ra trường đúng hạn kể cũng là một thành công đáng tôn trọng.
 
APN

Contact us to get waaa:
WA Dance Studio
(Hip Hop New Style, Hip Hop Jazz, Hip Hop on HEELS, Cheerleading,...
and so much More!)
Facebook: WA Dance Studio
Add: 30 Phan Dinh Phung, Hanoi
Hotline: 01256 147 507 / 0983 892 901

Mail: wadancestudio@gmail.com

0 nhận xét: